Đầu tư cùng góp vốn kinh doanh cần lưu ý những điều gì?

“Thương trường là chiến trường”, câu nói này luôn đúng. Nếu bạn chuẩn bị bước vào chiến trường bằng hình thức góp vốn kinh doanh thì dưới đây là những điều bạn cần bỏ túi ngay!

1. Chuẩn bị góp vốn kinh doanh

Chuẩn bị khởi nghiệp có vô vàn việc phải lo. Bên cạnh làm sao để có lãi, để khởi sự thành công, để chiếm được thị phần, để có khách hàng, để có những đồng doanh thu đầu tiên về. Thì mối lo khá canh cánh trong lòng, là làm sao để anh em làm, lúc vất vả có nhau, thì đến lúc thành công không bị toang! Cái thói đời, cứ lúc khó khăn vất vả thì bưng bát dưa cà, đồng lòng chung sức tiến lên, đến khi ăn no mặc ấm, chăn ấm đệm êm, công việc phát triển, qua giai đoạn gian khó, tiền về nhiều thì lại mất lòng nhau. Tất cả cũng bởi sự không rõ ràng lúc đầu. Và trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau truy tìm những con số tài chính, để làm sao hệ thống kinh doanh rõ ràng nhất, cho anh em an tâm hợp tác làm ăn, góp vốn kinh doanh.

Nhiều người có đặc điểm, cứ bàn đến chuyện tiền nong, chia chác lại ngại. Kiểu văn hóa người Việt Nam, thôi cái này nhằm nhò gì: bác cứ để em thanh toán. Tư duy này mang ra làm ăn là hỏng ngay. Phải rõ ràng từng tí một. Lại còn kiểu tư duy, ghi lại từng đồng tiền chặt chẽ thì bị ốp cho cái mác “đo lọ mắm tôm, đếm củ dưa hành”. Tất cả phải được rõ ràng, rành mạch. Nếu còn chưa rõ ràng, rành mạch về tài chính, thì chưa bắt đầu. Bởi bạn không thể bắt đầu một thứ biết chắc sẽ trở thành đống đổ nát được. Mà chính sự không rõ ràng về tài chính, sẽ gây ra những xích mích, khiến doanh nghiệp lụi từ trong nội bộ. Mà quả thực hầu hết các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam, chết vì do đối thủ đè bẹp thì ít, chết vì nội bộ mâu thuẫn thị nhiều. Chống giặc thì giỏi, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, tư duy khôn lỏi, ăn nhanh lại tự hại nhau. Vậy nên, khi góp vốn kinh doanh, đưa văn hóa, rõ ràng, rành mạch tài chính lên đầu. Thuận được cái này, thì con thuyền doanh nghiệp xây lên mới vững.

2. Góp vốn kinh doanh là gì

2.1. Mục đích của góp vốn kinh doanh

Khi góp vốn kinh doanh, bạn cần phân biệt rõ tiền và tài sản trong công ty. Có rất nhiều người thế này, khởi nghiệp là chỉ nhăm nhăm quan tâm đến tiền. Sai! Cực kỳ sai! Cái đích để chúng ta khởi nghiệp không phải là tiền đâu. Mà chính là các tài sản của công ty. Hay còn gọi là cỗ máy in tiền.

Tiền, ban đầu chúng ta góp vào để kinh doanh, để lập nên công ty, không phải nhằm mục đích kiếm được nhiều tiền hơn đâu. Không phải bỏ 1 mang về 5, về 10 đâu. Mà cái quan trọng nhất chính là chúng ta tạo ra tài sản kinh doanh mang tiền về: như cộng đồng khách hàng thân thiết đều đặn liên tục mua hàng của công ty, mạng lưới Marketing – truyền thông online tự động quảng bá mang khách hàng mới về, hệ thống tư vấn, chốt ra đơn hàng, rồi các bí quyết, thủ thuật, hay sản phẩm bản quyền do công ty sáng chế ra.

Vậy nên, khi bắt đầu khởi nghiệp, ta sẽ quan tâm hai việc:

– Việc đầu tiên: Việc quan trọng hơn cả và là cái đích kinh doanh: chính là tài sản ta nắm giữ được là gì nếu hệ thống toang.

– Việc thứ hai: Tỷ lệ góp vốn, % lợi nhuận ta nhận được bao nhiêu.

Đừng nghĩ là Chúng ta toàn xúi bẩy tiêu cực nha. Vì một năm tiễn đưa hàng trăm ngàn doanh nghiệp sụp đổ, thì việc doanh nghiệp của bạn gây dựng cũng không nằm ngoài khả năng đó. Kinh doanh không phải là cứ nghĩ tốt đẹp là nó sẽ tốt đẹp. Mà kinh doanh phải xác định được các rủi ro có thể xảy ra và tất cả đều nằm trong khả năng xử lý của bạn.

2.2. Những điều lưu ý khi phân chia lợi nhuận trong góp vốn kinh doanh

Tài sản bạn nắm giữ là gì?. Chúng ta lấy một ví dụ thế này: Có những người lập nên công ty, nhưng không biết đâu là tài sản kinh doanh. Cuối cùng, cả hệ thống khách hàng, giao cho một người Sales quản lý. Người Sales này là người trực tiếp làm việc với các đại lý, các khách hàng VIP. Cuối cùng khi họ rời công ty, họ mang cả mạng lưới khách hàng này đi lập công ty riêng. Chuyện này xảy ra nhan nhản ở ngoài kia.

Vậy nên, khi góp vốn kinh doanh, bạn cần luôn phải đặt ra câu hỏi: rốt cuộc tài sản kinh doanh trong doanh nghiệp này là gì? Và bạn nắm được tài sản gì? Nói thực, người nắm trong tay tài sản kinh doanh mới là người quyền lực, còn đến lúc xảy ra mâu thuẫn, phải dùng luật pháp vào can thiệp, thì người nắm trong tay tài sản họ vẫn có cách tuồn tài sản đi mà khó lòng phát hiện hay xoay chuyển được. Như thế này nhé. Khi mạng lưới khách hàng VIP đã quá yêu thích và làm việc nhiều với ông Sales, thì có pháp luật nào là bắt được khách hàng phải mua hàng tiếp từ công ty bạn, mà không theo ông Sales kia chuyển sang mua hàng khác?

Pháp luật chỉ can thiệp được những thứ vật chất hữu hình thôi, còn những thứ vô hình không thể can thiệp được. Mà tiếc rằng, cái vô hình thì lại cực kỳ nhiều tiền hơn cái hữu hình như: Lòng tin của hệ thống khách hàng, sự yêu mến của các đồng nghiệp cốt cán, giá trị lan tỏa thương hiệu, những bí quyết thủ thuật Marketing hay kiến thức sâu của thị trường, ngành nghề,…

Suy cho cùng, cứ bảo giấy trắng mực đen, pháp luật can thiệp, tuy nhiên, đâu phải thích là bê nhau ra tòa đâu. Nhiều khi phí luật sư, tòa án, rồi thời gian kiện tụng ngốn đống tiền. Cuối cùng các doanh nghiệp nhỏ lại hòa giải miệng thôi.

Vì vậy, chốt lại ở phần này. Khi góp vốn kinh doanh, bạn sẽ nắm và điều hành tài sản gì của công ty? Mà thậm chí, nhiều người còn chưa hình dung ra tài sản kinh doanh là gì. Nó không phải là cái bàn, cái ghế, hay đống hàng tồn kho đâu. Cần biết chi tiết cụ thể thêm, bạn phải lăn lộn, thất bại hoặc thậm chí là mất doanh nghiệp mới có thể nhìn ra được. Hoặc nhanh hơn và ít tốn phí trả giá hơn là hãy tìm đọc Gói coach Xây dựng tài sản kinh doanh mà Chúng ta đặc biệt viết riêng đến người kinh doanh và chủ doanh nghiệp nhé.

Cái đó mới là cái quan trọng đầu tiên, còn tỷ lệ góp vốn rồi % trích lãi nó lại nằm ở thứ hai. Bởi lẽ, Tiền chưa bao giờ là cái đích cuối cùng của người kinh doanh. Mà chính là tài sản. Một cỗ máy tự động in tiền, một cây ATM tự động đổ tiền về hằng ngày mới chính là thứ người kinh doanh khao khát đạt được bằng việc xây dựng và khiến các tài sản kinh doanh ngày càng đâm chồi, nảy mầm, phát triển và vững chãi như cây cổ thụ trong những năm tháng lâu dài tiếp theo.

2.3. Có nên góp vốn kinh doanh

Sắp tới góp vốn kinh doanh, bạn sẽ đảm nhận phần nhiệm vụ nào, xây dựng tài sản gì trong công ty. Bởi lẽ thế này, chỉ có người trực tiếp xây dựng mới nắm được, còn không, bạn phải đã từng có kinh nghiệm gây dựng mảng đó rồi, thì bạn mới hiểu được bản chất vấn đề. Chứ không phải là nghe mấy con số trên giấy tờ báo cáo nha. Lơ tơ mơ là bị qua mặt mà không biết ngay. Kinh doanh là vậy, sự tin tưởng duy nhất đến từ kiến thức và trải nghiệm bạn có.

Một số tài sản trong công ty như: Hệ thống Marketing – Quảng bá Thương hiệu, Hệ thống Tư vấn – Bán hàng (con người và công nghệ), Hệ thống Chăm sóc khách hàng – các mối quan hệ với mạng lưới khách hàng, Bản quyền sáng chế – phát triển sản phẩm, Hệ thống nhân sự – mối quan hệ và sự tác động, ảnh hưởng được đến các nhân sự để nếu có biến họ sẵn sàng đi theo bạn,… Chúng ta sẽ chia sẻ kỹ hơn tại Gói Coach Xây dựng tài sản kinh doanh nhé.

Về kinh nghiệm cá nhân của riêng bản thân, trước khi bắt tay vào một vụ kinh doanh nào, cái mình đưa ra bàn cân suy xét luôn là: Mình sẽ nắm tài sản gì? Để quyết định có nên làm hay không? Bởi cơ hội thì nhiều lắm, quan trọng ta chọn thương vụ nào mà thôi. Trong kinh doanh, đừng có đóng cốp tư duy là: phải làm jobs này, phải làm với anh em này, phải triển khai thương vụ này,… Không! Không! Không có phải phiếc gì hết! Từng thương vụ hãy đưa lên bàn cân tài sản để cân đo đong đếm. Nếu không ổn, tìm thương vụ khác. Bạn không thể dốc hết ruột gan, tiền bạc, thời gian, tâm huyết để rồi mất trắng được. Khởi nghiệp vất vả lắm, hãy làm thứ xứng đáng. Tất cả là sự lựa chọn của bạn thôi. Mà sự lựa chọn thì luôn hơn sự cố gắng. Đừng lao đầu vào một ván bài mà bạn biết chắc rằng trong tay bạn chỉ toàn tốt, còn Xe, Tịnh, Mã, Hậu, Vua (tài sản) nằm hết trong tay người khác.

Một lần, có một anh có hệ thống kênh youtube, với nút vàng, nút bạc đủ cả, cả triệu người đăng ký. Có mở lời bảo mình về xây dựng một hệ thống bán hàng với con số như sau:

– Mỗi người góp vốn kinh doanh 50%.

– Triển khai công việc: Mình sẽ đảm nhận 100% xây dựng hệ thống bán hàng, còn anh ấy đảm nhận 100% làm kênh youtube

– Quyền sở hữu tài sản: Mình 50% hệ thống bán hàng. Còn anh ấy 50% hệ thống bán hàng, và 100% hệ thống kênh Youtube

Và mình đã từ chối. Bởi lẽ, trên danh nghĩa mình sở hữu 50% hệ thống bán hàng, nhưng hệ thống bán hàng này sống nhờ kênh Youtube, với nguồn khách hàng từ kênh Youtube đổ về. Nên bản chất anh ấy sở hữu 100% hệ thống bán hàng và 100% hệ thống kênh Youtube. Trong khi công sức mình bỏ ra 100% và vốn mình bỏ ra 50%. Kèo này nhìn ban đầu tưởng thơm, nhưng thực chất mình sẽ thua thiệt rất nhiều trên góc nhìn tài sản.

3. Góp vốn kinh doanh hạch toán như thế nào

3.1. Tỷ lệ góp vốn kinh doanh

Về tỷ lệ góp vốn kinh doanh này, để đưa ra con số % góp vốn và số tiền là bao nhiêu. Bạn cần làm được bước đầu tiên là: TỔNG SỐ TIỀN HUY ĐỘNG VỐN. Như bạn dự trù toàn bộ kinh phí trong 6 tháng hoạt động là 600 triệu. Thì 1% là 6 triệu. Sau đó khảo sát ý kiến anh em xem muốn góp bao nhiêu. Hãy nhớ là, doanh nghiệp lớn thì họ làm khác, còn doanh nghiệp nhỏ họ làm khác nhé, không đú theo doanh nghiệp lớn được.

Bởi tỷ lệ góp vốn này sẽ quyết định lợi nhuận, như ông góp 30% thì ông hưởng 30% lợi nhuận khi tiền về. Cái này với doanh nghiệp nhỏ, tỷ lệ phân chia phụ thuộc vào anh em ngồi bàn với nhau. Tìm ra một con số và cùng bàn bạc để cảm thấy thoải mái nhất. Và nhận bao nhiêu % thì cứ nhân lên với số tiền 1% ở trên. Như ông nhận 30% thì 30% * 6 triệu, chồng 180 triệu ra. Hoặc góp dần dần nếu anh em tự thống nhất với nhau.

3.2 Tỷ lệ góp công sức trong góp vốn kinh doanh

Bảng mô tả công việc. Đây là thứ thường thiếu và yếu trong các doanh nghiệp nhỏ và tư nhân. Có nhiều nơi thậm chí còn thiếu cả bảng mô tả công việc cho nhân viên. Cả hệ thống vào làm mà cứ ngơ ngơ ngơ ngơ, nhìn thì bận rộn mà hiệu quả không có, không thể kiểm soát được các đầu công việc.

Hãy luôn nhớ, góp vốn kinh doanh là: Rành mạch và rõ ràng. Mà khởi nguồn cho điều đó là từ những người đứng đầu. Sau khi chốt được tỷ lệ góp vốn. Hãy chốt bản mô tả công việc của từng người và bảng con số đo hiệu quả của từng đầu việc của từng người. Từ bảng mô tả này, bạn sẽ biết được bạn và những người khác đảm nhận những gì, dễ dàng trong việc vận hành bộ máy, nước sông không phạm nước giếng, mỗi người tôn trọng sự điều hành cao nhất của từng người trong mỗi mảng. Nếu có bất đồng ý kiến, chỉ trong vai góp ý chứ không có tính chất ép buộc chuyên môn của người kia.

Lưu ý rằng, bảng tỷ lệ góp công sức này, khác với tỷ lệ góp vốn, nó quyết định lương nhận là bao nhiêu, chứ không quyết định lợi nhuận là bao nhiêu. Có người góp vốn nhiều, nhưng góp sức ít. Có người góp vốn ít nhưng lại góp sức nhiều.

Nếu bạn thắc mắc, thì Chúng ta chia sẻ đến bạn là, có khá nhiều chủ doanh nghiệp không biết rằng: Có hai khoản tiền được nhận từ doanh nghiệp:

– Một là: Lợi nhuận – xét theo tỷ lệ góp vốn

– Hai là: Lương hàng tháng – xét theo tỷ lệ góp công sức, trả theo vị trí theo mặt bằng chung: Như doanh nghiệp bé thì Trưởng phòng kinh doanh, doanh nghiệp lớn thì Giám đốc kinh doanh.

Đây là hai khoản tiền tách bạch nhau. Nhiều chủ doanh nghiệp, không tính lương bản thân vào là thiếu sót cực kỳ lớn. Thậm chí việc bỏ lương của chủ doanh nghiệp đi còn dẫn đến việc không đánh giá được chính xác hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, làm sai lệch đi báo cáo tài chính. Đó là điều cực kỳ không nên.

Nhiều người nghĩ, thôi đằng nào cũng là doanh nghiệp của mình, tính lương làm gì. Ấy chết, vấn đề ở đây là phải đưa ra con số tài chính chính xác. Hơn nữa sẽ tránh việc, “cha chung không ai khóc”. Không thể nào tránh trường hợp, người thì nhìn nhiệt tình làm việc lắm, nhưng hiệu quả thì chẳng thấy đâu. Người thì ít nói, lầm lỳ, cứ tưởng không ăn thua thì lại làm việc ổn. Nên việc tính lương này, để ai làm ít, kết quả thấp thì nhận ít tiền, không thể nào cào bằng được. Mọi sự rõ ràng, rành mạch luôn khiến mọi người tâm phục khẩu phục và dễ bề quản trị. Đó là điều cực kỳ cần lưu tâm khi góp vốn kinh doanh.

4. Góp vốn kinh doanh và chia lợi nhuận

Như đã nói ở trên, Chủ doanh nghiệp có hai nguồn thu: một là lương, hai là lợi nhuận. Cụ thể như sau:

4.1. Phân chia lương người góp vốn kinh doanh

Tính theo mặt bằng chung: Lương nhân viên ít kinh nghiệm 5 – 7 triệu, Lương nhân viên nhiều kinh nghiệm: 8 – 11 triệu. Lương quản lý, trưởng phòng: 12 – 15 triệu. Lương Giám đốc: 20 – 25 triệu. Đối với các thành phố miền Bắc. Còn các tỉnh miền Nam thì sẽ tăng cao hơn 2 – 4 triệu do vùng miền. Chấm công bình thường. Đi muộn trừ lương. Nghỉ trừ ngày công. Cuối tháng lấy tổng lương chia cho 24 nhân với số ngày đi làm.

Bạn có biết, tính nào quan trọng nhất trong việc xây doanh nghiệp không? Đó chính là tính KỶ LUẬT! Càng là chủ doanh nghiệp, càng phải chấm công 8h sáng đến, chiều 17h về. Bạn có thể đến sớm hơn, về muộn hơn, nhưng tuyệt đối không làm việc búa xua. Hỏng doanh nghiệp ngay. Kỷ luật mới tạo ra sức mạnh và năng lượng. Đặc biệt khi góp vốn kinh doanh.

Như hiện tại trong giai đoạn này của Chúng ta, mặc dù đang ở quê nhà, nhưng vẫn giữ thời gian làm việc: 7h ngồi làm việc – 11h30 ăn trưa. Chiều 14h ngồi làm đến 18h. Tối có làm việc thì làm lúc 20h30 – 23h30 rồi đi ngủ. Sự búa xua, xao nhãng luôn giết chết doanh nghiệp. Hãy là những chủ doanh nghiệp kỷ luật. Bởi thành công là làm việc bé nhưng phải đều đặn, đều đặn mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Còn hôm nay chộp tý, mai nghỉ, ngày kia lao vào làm. Không ăn thua.

4.2. Phân chia lợi nhuận người góp vốn kinh doanh

Lợi nhuận tạo ra sau một kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng (do anh em tự quy định). Sau khi trừ mọi chi phí đã chi, trừ đi cả chi phí vận hành trong thời gian 3 tháng, 6 tháng sắp tới. Còn thừa bao nhiêu, chính là lợi nhuận để những người góp vốn kinh doanh chia nhau.

Lúc này, anh em sẽ họp bàn, xem có chia không, hay tiếp tục tái đầu tư tiếp để phát triển doanh nghiệp mạnh hơn. Sau đó sẽ quyết định, tranh luận xem có chia hay không. Tin Chúng ta đi, phép chia này nan giải đấy. Vì mỗi người một tư tưởng khác nhau. Người thì muốn chia, người thì muốn đầu tư mở rộng. Nếu trái ý nhau, thì lúc này sử dụng quyền cổ đông % góp vốn. Bên nào % cao hơn, quyết định cho bên đó. Như 3 người, mỗi người 33%. 2 người 33% quyết là chia, thì người kia phải chịu, vì 66% hơn 33%.

 

No Comments

Post a Comment